Sáng nay (4/3), Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có cuộc họp với các sở ngành liên quan để xem xét xúc tiến xây dựng Đề án “TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ Bất động sản của cả nước và khu vực”.

Từ đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, TPHCM là nơi giao dịch bất động sản lớn của cả nước, tuy nhiên thời gian qua vấn đề cung cấp thông tin chưa được quan tâm đúng mức, người dân, doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận thông tin các dự án, dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư cung cấp thông tin không chính xác gây thiệt hại cho người dân.

Để cho thị trường phát triển ngày càng lành mạnh, bền vững TP.HCM cần xây dựng đề án nói trên. Nơi đây sẽ giới thiệu các vấn đề liên quan đến bất động sản như thông tin quy hoạch, pháp lý dự án, tiến độ… các thông tin này do chính các sở ngành liên quan của thành phố cung cấp chính xác, nhanh chóng… để thông qua đó người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng nhất, tránh rủi ro trong quá trình đầu tư, mua bán nhà đất để an cư…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đề nghị việc cung cấp thông tin trên thị trường bất động sản là rất quan trọng, cần nhanh chóng, kịp thời tránh tình trạng như nhiều dự án doanh nghiệp thế chấp đã giải chấp nhưng các cơ quan của TP.HCM vẫn không cập nhật thông tin kịp thời gây thiệt hại cho doanh nghiệp, khó khăn cho người dân khi tiếp cận.

Theo đó, UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) làm đầu mối phối hợp với các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Bất động sản TPHCM nghiên cứu xúc tiến xây dựng đề án nói trên; khi vận hành các sở ngành liên quan phải có trách nhiệm cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời.

Trước đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo 24 quận, huyện và nhiều cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào chương trình điều hành, quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết mọi thủ tục liên quan đến vấn đề đô thị cho người dân và doanh nghiệp. Sở Xây dựng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để công khai tiến độ thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.

Riêng Sở Quy hoạch – Kiến trúc được giao tiếp tục rà soát chất lượng các đồ án quy hoạch, những khu vực chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền, lợi ích chính đáng của người dân để điều chỉnh cho phù hợp; tiếp tục hướng dẫn quận, huyện trong công tác tách thửa đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng cơ chế tài chính, tạo nguồn thu từ quỹ đất cho thành phố; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tiến độ thực hiện các dự án; hoàn chỉnh Kế hoạch tổ chức Hội nghị thông qua Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh TP.HCM.

Ngoài ra, UBND TP.HCM sẽ ban hành nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM gắn với quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM; xem xét, quyết định việc áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình để tính bồi thường, hỗ trợ về nhà, công trình, vật kiến trúc; xem xét việc áp dụng cơ chế đối với từng dự án giao thông trọng điểm.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản trong quá trình hoạt động, UBND TP.HCM vừa cho biết sẽ họp giao ban hàng quý với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM để xem xét hướng xử lý.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM được giao hệ thống lại các vướng mắc chung của các doanh nghiệp về đất đai, cấp giấy, tiền sử dụng đất, ký quỹ, tách thửa, cổ phần hóa; đồng thời nhận diện các doanh nghiệp bất động sản hoạt động không lành mạnh để ngăn chặn, tránh làm ảnh hưởng chung đến môi trường đầu tư của TP.HCM.

Sở Tài nguyên và Môi trường còn được giao giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến sẽ chủ trì họp giao ban hàng quý để tháo gỡ ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động.

Mới đây, hàng loạt khó khăn về thủ tục, pháp luật quy định đến đầu tư – kinh doanh dự án nhà ở được các doanh nghiệp phản ánh tại cuộc họp giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và các sở, ngành TP.HCM với hơn 200 doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh bất động sản trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố.

Ngay tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở ngành liên quan giải quyết ngay cho doanh nghiệp một số những vướng mắc có thể giải quyết ngay. Lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định rằng những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP.HCM sẽ giải quyết ngay. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hướng giải quyết.

Cụ thể, về khó khăn để được công nhận chủ đầu tư dự án doanh nghiệp phải có 100% đất ở hợp pháp, TP.HCM sẽ phân ra các loại, nếu dự án đã có 100% đất ở do doanh nghiệp đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, Sở Xây dựng sẽ giải quyết hồ sơ xem xét công nhận chủ đầu tư. Các dự án chưa phải là 100% đất ở, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thụ lý xem xét, nếu dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước sẽ thực hiện theo quy định đầu tư công.

Về các điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, Sở Tai nguyên – Môi trường TP.HCM cho biết, các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư đã được UBND cấp có thẩm quyền cho phép thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trước ngày 1/7/2014, nhưng chủ đầu tư chưa thỏa thuận hết toàn bộ diện tích đất của người sử dụng đất trong phạm vi dự án, UBND cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất, trình HĐND cùng cấp thông qua, trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư.

Nguyên Minh

Theo Nhịp sống kinh tế

Đánh giá của bạn