Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị” diễn ra tại TP. HCM hôm nay (24/9).

Dưới góc độ là nhà đầu tư, ông Ngô Quang Phúc cho rằng trong 10 năm qua thị trường đất động sản ghi nhận sự phát triển tốt, lượng cung lớn và tạo ra một thị trường cạnh trạnh lành mạnh, công bằng, đồng thời cung cấp dòng sản phẩm cực kỳ đa dạng cho khách hàng.

“Tuy nhiên, làm sao để phát triển đại đô thị trở thành hiện thực, làm sao để các khu đô thị giải quyết được nhu cầu của khách hàng?”, ông Phúc đặt ra vấn đề và cho rằng trong việc phát triển một dự án bất động sản, có 4 điều một doanh nghiệp cần quan tâm.

Thứ nhất là tiền, muốn đầu tư một dự án phải có vốn, tuy nhiên theo ông Phúc, vấn đề này doanh nghiệp có thể huy động từ nhiều kênh. Thứ hai, về hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp cũng có thể chủ động tính toán.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group

Riêng có hai việc khó khăn trong việc đầu tư dự án là quỹ đất và thủ tục.

“Công tác đền bù, giải tỏa khu đất quy mô lớn rất khó, song điều này có thể giải quyết được nếu có quy hoạch định hướng, có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, bởi doanh nghiệp thiếu quỹ đất và không chủ động được trong công tác pháp lý”, Tổng giám đốc Phú Đông Group nói.

Bên cạnh đó, ông Phúc giả thiết rằng nếu quá trình quy hoạch được giải quyết thì tiền đâu để đền bù? “Có nhiều nguồn để giải quyết vấn đề này, một trong số nguồn đấy là trái phiếu chính phủ và biết đâu thời gian tới sẽ có trái phiếu TP. HCM. Sau đấy, TP. HCM sẽ tạo ra một quỹ đất sạch để chúng tôi có thể đầu tư hạ tầng bài bản nguồn vốn đó”, ông Phúc nêu vấn đề.

“Tiền thu từ đất cao gấp 5 lần nguồn thu từ dầu khí”

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết năm nay sẽ thực hiện việc quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020 – 2030.

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế ảnh hưởng do dịch Covid-19, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp quy hoạch sử dụng đất trên cả nước cho phép các chỉ tiêu về sử dụng đất liên quan đến đất trồng lúa, đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, đất ở; tổng hợp các nhu cầu sử dụng đất ở các địa phương chưa sử dụng hết trong kỳ quy hoạch 2010 – 2020 để bổ sung chỉ tiêu quy hoạch cho các tỉnh có nhu cầu sử dụng. Việc này nhằm thu hút nhà đầu tư, đặc biệt từ Trung Quốc sang, hay các doanh nghiệp lớn có nhu cầu sử dụng đất tại Việt Nam để thực hiện phát triển sản xuất kinh doanh.

Dựa trên chủ trương của luật đất đai, ông Thọ ủng hộ việc phải có quỹ đất sạch, tổ chức đấu giá thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đình Thọ thông tin rất nhiều doanh nghiệp đã gặp vấn đề trong thủ tục pháp lý và một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng hoặc không thỏa thuận được với người dân.

“Chúng tôi bảo vệ quan điểm tạo lập quỹ đất và sau đó là đấu giá đất để tăng nguồn tiền cho ngân sách nhà nước. Trong năm 2019, tiền thu được từ sử dụng đất đạt đến 192.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với nguồn thu từ dầu khí”, ông Thọ cho hay.

Từ đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng nếu các tỉnh sử dụng nguồn thu này để tạo lập quỹ đất thì sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản dễ hơn. Hiện nay, doanh nghiệp đều tự đi thỏa thuận và giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, sau đó lại vướng mắc ở các quy trình triển khai.

Đánh giá của bạn