Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, TPHCM cần kết hợp nhiều giải pháp, kể cả trước mắt cũng như lâu dài nếu muốn giảm ùn tắc giao thông.

Cùng với ngập nước, ùn tắc giao thông đang là bức xúc lớn đối với người dân TPHCM. Thực tế này cũng là thách thức lớn đối với chính quyền TPHCM trong quá trình xây dựng TP có chất lượng sống tốt. Giải pháp nào giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tại TPHCM?

Sớm hình thành 3 tầng giao thông

Hiện TPHCM chưa hội đủ 5 yếu tố để có thể giảm ùn tắc giao thông bởi những nguyên nhân sau: tỷ lệ đất dành cho giao thông rất thấp (chỉ khoảng 7% – 8%, trong khi yêu cầu phải từ 20% – 25%); mật độ dân số trong khu vực nội thành quá cao và dàn trải tràn lan; tỷ lệ sử dụng mạng lưới giao thông công cộng quá thấp (khoảng 6,1%); văn hóa giao thông chưa tốt và quản lý giao thông còn nhiều bất cập.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, TPHCM cần kết hợp nhiều giải pháp, kể cả trước mắt cũng như lâu dài nếu muốn giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể là phải quy hoạch hình thái đô thị đa trung tâm; phát triển theo định hướng giao thông công cộng; phát triển đường vành đai kết nối khu vực đường hướng tâm, hạn chế xe xuyên tâm; phát triển đường trên cao kết nối 3 tầng giao thông metro – trên mặt đất – trên cao. Ngoài ra, nhiều giải pháp trước mắt như hạn chế giao thông cá nhân, cải tạo nút ùn tắc giao thông, văn hóa giao thông; quản lý giao thông… cần thực hiện đồng bộ.

Trong đó, TP cần giảm việc xây dựng cao ốc tại khu trung tâm; đồng thời di dời những cao ốc văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện ra trung tâm khu vực và đô thị vệ tinh.  Tại TPHCM, quy hoạch xây dựng điều chỉnh đến năm 2025 với dân số trên 10 triệu người đã được Chính phủ phê duyệt theo “hình thái đô thị tập trung – đa cực/đa trung tâm”. Đô thị trung tâm hiện hữu đang mở rộng sang Thủ Thiêm và 4 trung tâm khu vực (đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi, cảng Nhà Bè hướng Nam, Khu Công nghệ cao – quận 9 – hướng Đông và Tân Tạo – Tân Kiên hướng Tây – Tây Nam) chưa được triển khai theo quy hoạch. Vì lẽ đó, TPHCM chưa rõ hình hài của một TP đa trung tâm, chưa thể giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

TPHCM đầu tư phát triển hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM đầu tư phát triển hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với đó, giải pháp phát triển giao thông công cộng (TOD) gắn với  hình thái phát triển đô thị là xu thế phổ biến tại các đô thị phát triển trên thế giới. Cách làm này hướng người tham gia giao thông sử dụng phương tiện công cộng có sức chuyên chở lớn (metro). TPHCM có 6 tuyến metro nhưng hiện mới triển khai tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Ngoài ra, phát triển hệ đường vành đai, đường hướng tâm và hạn chế xe xuyên tâm là xu hướng phát triển giao thông cổ điển nhằm hạn chế xe vào nội đô. Quy hoạch TPHCM có 4 đường vành đai: đường vành đai 1 đã có trong nội thành, đường vành đai 2 hiện đang tập trung xây dựng, các đường vành đai sẽ kết nối tốt hệ thông giao thông của TP với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, đường xuyên tâm xây dựng không được rõ ràng, đến nay mới xây trục Đông – Tây, còn trục Bắc – Nam vẫn “mờ mịt”.

Tóm lại, TP cần sớm hình thành cả  3 tầng giao thông đô thị: dưới lòng đất, trên mặt đất và trên không. Các giải pháp trên phải triển khai, tiến hành song song, đồng bộ thì mới giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông.

Có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân

Vì thiếu kinh phí nên giải pháp mang tính lâu dài thường triển khai chậm. Do vậy, người dân chỉ còn cách trông chờ những giải pháp tình thế, thực hiện trên cơ sở khai thác tốt cơ sở hạ tầng hiện có. Trong đó, cần cải tạo các nút ùn tắc giao thông. Nút giao thông ở TPHCM không chỉ có ngã 3, ngã 4 mà có cả ngã 5 và ngã 6, thậm chí ngã 7. Trong 26 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, TP đã có giải pháp xử  lý 14 điểm, xây dựng phương án điều chỉnh giao thông ở 6 điểm và đang nghiên cứu các giải pháp xử lý 6 điểm khác. Các giải pháp trước mắt có thể là cầu vượt, hầm chui, tiểu đảo, mở rộng đường, mở thêm đường… tùy theo từng vị trí. Đồng thời, phải phát triển giao thông công cộng nhưng người dân TP hiện chưa mặn mà với xe buýt bởi nhiều lý do, như: tiện ích nghèo nàn, chạy chưa đúng giờ, thời gian dừng chạy quá gấp, không an toàn… Vì thế, TP cần cải tiến, nâng cao năng lực phục vụ của xe buýt.

Quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Hà Nội và TPHCM đều có quá nhiều xe máy nên ùn tắc giao thông liên tục là chuyện đương nhiên. Chính vì thế, hạn chế giao thông cá nhân luôn là giải pháp trung tâm trong bài toán kéo giảm ùn tắc giao thông.

Theo nhiều nghiên cứu, TP cần xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Hiện số xe cá nhân lên tới 7,5 triệu (gồm 6,9 triệu xe máy và khoảng 570.000 ô tô), mỗi người/phương tiện cá nhân chiếm diện tích đường gấp 5 – 30 lần (tùy loại xe) so với người đi xe công cộng. Đầu tư giao thông công cộng chưa phải là giải pháp khả thi nhất vì kinh phí quá lớn. Ở TP, mỗi ngày có ít nhất từ 14 – 15 triệu lượt người đi lại. Để hạn chế phương tiện cá nhân, ngoài phương pháp tài chính như thuế – phí thì phương pháp quy hoạch bến đỗ hoặc điều hành giao thông cũng rất thiết thực.

Có ý kiến cho rằng đến năm 2030, TPHCM cần phấn đấu giao thông công cộng đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân. Để đạt mục tiêu này, TP phải có ít nhất 150km tàu điện ngầm và tàu trên cao, ít nhất từ 3.000 – 4.000 xe buýt. Cộng với đường mở rộng, kết hợp đường trên cao, đường đi ngầm, TP sẽ giải quyết cơ bản bài toán ùn tắc. Theo kinh nghiệm của nhiều TP trong khu vực châu Á thì phải mất ít nhất 10 năm thực hiện các phương pháp thì hiệu quả mới xuất hiện.

NGUYỄN ĐĂNG SƠN

(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)

Đánh giá của bạn