Việc tham gia thị trường BĐS lúc nào, ở phân khúc nào, cách thức ra sao phụ thuộc vào mỗi nhà đầu tư (NĐT). Tuy vậy, có một điểm chung là những NĐT BĐS chuyên nghiệp luôn tìm cách để “tiền sinh ra tiền”.
Dưới đây là những cách kiếm tiền có thể không đột phá nhưng lại mang tính ổn định, bền vững của nhiều NĐT có tiền nhàn rỗi hoặc tiền vay nhưng khả năng trả nợ vay tốt. Thậm chí, họ đã tham gia vào một số phân khúc mà theo dự báo không nhiều triển vọng để kiếm tiền nhiều. Nhưng cái được lớn nhất là họ có được tài sản “để dành” và từ tài sản đó có thể đem lại dòng tiền ổn định theo năm tháng, thậm chí là tài sản tích lũy cho đời con cái.
Mua căn hộ cho thuê
Đây vốn là cách đầu tư truyền thống của các NĐT BĐS từ trước đến nay. Có thời điểm, việc cho thuê không được giá hay khó tìm khách thuê nhưng đây vẫn là loại hình được nhiều NĐT có dòng tài chính tốt lựa chọn. Thậm chí, đã có nhiều NĐT “săn” căn hộ giá tốt, vị trí đẹp ở khu vực ven TP để mua cho thuê.
Một câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn mới đây, Anh A là một giám đốc điều hành công ty lớn, vợ là dược sĩ ở bệnh viện. 2 vợ chồng anh A năm nay 45 tuổi và có 2 đứa con.
Sau hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, nhà cửa đã ổn định, con cái cũng đã lớn. Ngoài căn nhà để ở, gia đình anh đang có 2 căn nhà và 1 miếng đất khác để vừa tích trữ tài sản, vừa giữ tiền không mất giá, vừa cho thuê được 50 triệu đồng/tháng.
Giờ đã mỏi mệt với việc đi làm kiếm tiền, nhân tiện đang có thêm khoản tiền nhàn rỗi, anh chị muốn bán miếng đất đang có, số tiền nhàn rỗi này để kiếm mua thêm một tài sản cho thuê để có thêm vài chục triệu hàng tháng mà “không phải làm gì”. Số tiền cho thuê mới này, cộng với 50 triệu đồng cho thuê đang sẵn có sẽ giúp anh chị thảnh thơi nghỉ ngơi hưởng thụ cuộc sống, trong khi vẫn lo cho hai đứa nhỏ học hết đại học.
Về lâu dài, anh A e ngại căn hộ chung cư sau khi đã bàn giao sử dụng, đặc biệt sau khi đã có sổ đỏ, thì việc tăng giá căn hộ theo thời gian cũng không bằng nhà phố, đặc biệt sau 10 năm sẽ thường đi ngang do nhà bắt đầu khấu hao, xuống cấp và dần bị các dự án mới hơn áp đảo. Do đó, bản thân thu nhập từ cho thuê căn hộ chung cư 4,28%/năm đã thấp hơn lãi suất gửi ngân hàng, giá trị căn hộ về lâu dài sau 10-15 năm cũng không tăng giá nữa, nên cả nguồn thu từ cho thuê và nguồn thu kì vọng từ tăng giá sẽ không đủ bù đắp việc mất giá đồng tiền so với việc giữ tiền bằng nhà phố.
Tuy vậy, ưu điểm khiến anh chị cân nhắc chọn căn hộ chung cư cho thuê, là gần như chủ đầu tư đã làm hết tất cả: từ việc chọn mua đất, xử lý pháp lý, xin phép xây dựng, thiết kế, xây dựng, hoàn công ra sổ, hỗ trợ kiếm khách thuê, đảm bảo an ninh cho căn hộ, và đặc biệt là có đội bảo trì khi căn hộ anh chị có sự cố,… anh chị “không phải làm gì” vẫn có tiền hàng tháng.
Tích lũy nhà cửa cho con ở gần
Nhiều người lên kế hoạch từ sớm mua BĐS vừa là kênh khai thác đầu tư, vừa nhắm đến là tài sản “của để dành” cho con cái sau này, được ở gần mình. Hầu hết những người này có dòng tiền nhàn rỗi khá khẩm.
Cũng chia sẻ tại diễn đàn mới đây, một người kinh doanh đã kể về kế hoạch tích lũy tài sản và cách kiếm tiền bằng hình thức mua BĐS cho thuê. Vợ chồng chị H (ngụ Q.10, Tp.HCM), có 2 đứa con. Nhờ hoạt động kinh doanh thuận lợi, từ 2010 – 2015, vợ chồng chị Hạnh có nguồn tiền nhàn rỗi kha khá và muốn tích lũy dần số tiền này để dành cho con. Sợ giữ tiền bị mất giá, anh chị quyết định mua nhà để giữ tiền. Anh chị cũng mong muốn khối tài sản này có khả năng tự sinh sôi ra tiền để trước mắt anh chị có nguồn tiền nhàn rỗi để chăm lo tốt cho các con, lâu dài tạo dựng nền tảng tài chính vững chắc cho bọn trẻ.
Do đó, vợ chồng chị Hạnh đã mua 2 căn nhà vào năm năm 2010 và 2015. Căn đầu tiên anh chị xây lên vừa ở vừa để cho thuê. Căn thứ hai anh chị mua xong cho thuê nguyên căn, để đơn vị thuê tự xây lại nhà cao tầng cho thuê, sau thời gian thuê sẽ để toàn bộ căn nhà mới xây cho vợ chồng chị.
Hiện tại, căn nhà 8 tỉ anh chị mua năm 2010 và căn 9.8 tỉ anh chị mua năm 2015 đã có giá mỗi căn xấp xỉ 20 tỉ đồng. Và mỗi tháng, mỗi căn nhà vẫn tự đang “sinh sôi” ra đều đặn 70 triệu đồng từ tiền cho thuê.
Theo chị Hạnh, kế hoạch lo xa của vợ chồng chị là tầm 10-15 năm nữa, khi bọn trẻ trưởng thành sẽ để lại cho mỗi đứa một căn ở gần nhà mình.
Các tiêu chí có được tài sản bền vững, lâu dài
Điểm chung của các cặp vợ chồng trên đều đã trải qua sóng gió trên thương trường, muốn tìm sự ổn định lâu dài trong kế hoạch tài chính của mình. Họ có xu hướng tích lũy tài sản có pháp lý an toàn và có thể “tự sinh ra tiền hàng tháng” để vừa có thể chăm lo tốt cho thế hệ kế thừa, vừa thảnh thơi “nghỉ hưu sớm” hưởng thụ cuộc sống.
Một số chuyên gia đã vạch ra các tiêu chí để cân nhắc một tài sản mua vào đối với những người có dòng tài chính nhàn rỗi khá, đảm bảo sự bền vững về lâu dài.
An toàn: Pháp lý chủ quyền đứng tên mình, đó phải là tài sản trong tầm tay, dễ dàng thăm – ngắm- bán khi thích.
An nhàn: Tài sản có thể tự vận hành, không khó khăn trong khâu quản lý, không ảnh hưởng đến cuộc sống. Dễ dàng kiếm người thay mình khai thác quản lý, không lệ thuộc hoàn toàn vào 1 hoặc một vài đối tác.
Lãi vốn: Tài sản có khả năng tự tăng giá trị 2,5 -3 lần trong vòng 7-10 năm như quy luật chu kì của thị trường BĐS.
Đòn bẩy: Tài sản có giá trị thế chấp trên “ít nhất 60%” giá thị trường để huy động vốn khi cần.
Kế thừa: Tài sản được sở hữu lâu dài, có thể truyền lại 2-3 thế hệ sau.
Theo Trí thức trẻ