Cách đây độ 10 năm, việc phải ra các quận Thủ Đức, quận 9, 12, Bình Tân hay Nhà Bè… để sinh sống có thể không là sự chọn lựa của nhiều người, thậm chí là  không nghĩ đến. Đường sá đi lại khó khăn khiến họ ái ngại, hơn nữa các dự án nhà ở cũng chủ yếu tập trung ở các quận đang phát triển. Nhưng nay đã khác, sự phát triển hạ tầng đã thay đổi bức tranh bất động sản tại TPHCM.

Phối cảnh khu căn hộ cao cấp Phú Đông Premier.
Phối cảnh khu căn hộ cao cấp Phú Đông Premier.

Kéo xa về gần

Nếu không có tuyến đường Phạm Văn Đồng, thì có lẽ lúc này Phú Đông Group cũng đang phải chật vật với giai đoạn 1 của dự án khu dân cư Him Lam Phú Đông nằm cách tuyến đường huyết mạch này vài trăm mét. Sự phản hồi tích cực của thị trường đã khuyến khích công ty này bắt tay vào làm giai đoạn 2 với khu căn hộ Phú Đông Premier vừa được giới thiệu ra thị trường cách đây ít hôm.

Được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 5.000 mét vuông, Phú Đông Premier gồm hai khối chung cư cao 35 tầng với tổng số 657 căn hộ có diện tích từ 63-144 mét vuông. Chủ đầu tư dự án hứa hẹn, với các hạng mục thương mại, dịch vụ và tiện ích phục vụ nhu cầu sống của cộng đồng cư dân, nơi đây sẽ tạo nên một “thành phố” thu nhỏ tại phía Đông Bắc TPHCM.

Tuyến đường Phạm Văn Đồng giúp Phú Đông Premier tăng khả năng kết nối và rút ngắn khoảng cách đến trung tâm TPHCM cùng các khu vực lân cận. Cư dân chỉ mất khoảng 20 phút di chuyển bằng xe máy là đã đến các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức và sân bay Tân Sơn Nhất.

Cũng tại phía Đông Bắc thành phố, Thuduc House đang xây dựng dự án căn hộ TDH RiverView nằm trên đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Dự án có 214 căn hộ có giá bán 19,6 triệu đồng/mét vuông (bao gồm VAT). Chủ đầu tư dự kiến sẽ bàn giao nhà cho người mua vào quí 4-2019.

Một trong những yếu tố tạo lực đẩy bán hàng cho dự án này là hạ tầng kết nối. Hiện nay, tuyến quốc lộ 1A đang được đầu tư nâng cấp và mở rộng để kết nối với khu vực phía Đông. Đặc biệt, tuyến đường quốc lộ 13 – Xô Viết Nghệ Tĩnh được đầu tư mở rộng lên đến 60 mét tạo thêm sự thuận tiện trong việc đi lại từ khu vực Bắc Sài Gòn vào trung tâm thành phố. Từ khu vực này, cư dân có thể đi vào trung tâm thành phố như quận 1, quận 2, Bình Thạnh theo quốc lộ 13 hoặc đại lộ Phạm Văn Đồng. Khả năng liên kết giao thương từ dự án với khu vực ngoại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng thuận lợi và dễ dàng hơn.

Mở ra cơ hội

Trong lúc các dự án ở xa được nhiều người biết đến nhờ hệ thống hạ tầng phát triển, thông tin về sự chỉnh trang đô thị cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi nó không chỉ tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản mà còn là đòn bẩy giúp địa phương đó phát triển.

Chẳng hạn như thông tin về dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành với lộ giới từ 37 – 46 mét. Được biết, tiến độ xây dựng tuyến đường này nhanh hay chậm phụ thuộc vào tiến độ di dời hệ thống cảng Khánh Hội, cảng Tân Thuận và kêu gọi nhà đầu tư. Khi được đầu tư mở rộng, Nguyễn Tất Thành sẽ là tuyến đường ven sông, giúp kết nối khu trung tâm thành phố với các quận, huyện phía Nam thành phố và miền Tây Nam bộ.
Thực tế cho thấy, thông tin về hạ tầng luôn hấp dẫn các nhà đầu tư. Cụ thể, hai tuyến đường ven sông là Nguyễn Tất Thành và Tôn Thất Thuyết đã ghi nhận hai dự án lớn như là khu đô thị Vinhomes Khánh Hội và dự án Riva Park.

Trước đó, trục đường Bến Vân Đồn sau khi được chỉnh trang, mở rộng cũng đã thu hút nhiều “đại gia” bất động sản đến đầu tư. Nếu như trước đây, những khu căn hộ chỉ tập trung nhiều phía cuối đường với cụm chung cư Khánh Hội, Vạn Đô, Tôn Thất Thuyết… thì hiện nay dự án lại tập trung dọc tuyến đường và có xu hướng dồn về phía khu trung tâm thành phố.

Bà Dương Thùy Dung, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển Công ty CBRE Việt Nam, cho rằng cơ sở hạ tầng là một trong những thách thức đối với sự phát triển và mở rộng của thị trường. Trong khi quỹ đất tại các khu vực trung tâm đang dần khan hiếm, nhu cầu mở rộng thị trường ra các vùng ven đang rất cao, đòi hỏi một sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng cũng như các phương tiện kết nối thuận tiện.

Theo bà Dung, trong 10 năm qua, chính quyền TPHCM đã có những nỗ lực rất lớn để hoàn thành một loạt các tuyến đường vành đai, xây mới nhiều cây cầu, giới thiệu tuyến buýt nhanh… Song, dường như cơ sở hạ tầng vẫn chưa thể phát triển kịp với tốc độ đô thị hóa.

Một số người trong ngành cho rằng sự phát triển về cơ sở hạ tầng đã và đang kéo theo sự gia tăng nguồn dân cư, khiến nhu cầu thực về nhà ở không ngừng phát triển. Sự cộng hưởng các bên cùng có lợi này sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản trên thị trường bất động sản.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Đánh giá của bạn