Để thu hút người dân về vùng ven giảm tải cho trung tâm TP HCM thì yếu tố quan trọng nhất là giảm thời gian di chuyển, đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Hàng loạt đường cao tốc được xây dựng và đưa vào vận hành trước 2025 như Phan Thiết – Dầu Dây, TP HCM – Long Thành – Dầu Dây mở rộng 10 làn xe, TP HCM – Mộc Bài, Bến Lức – Trung Lương, Biên Hòa – Phú Mỹ.

Tại hội thảo “Phát triển các mô hình đô thị và Bài toán nhà ở” do VTV Digital tổ chức, Tiến sĩ Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT – Bộ GTVT, khẳng định TP HCM là vùng đô thị có vai trò vị thế chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương, là động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia. TP HCM được xác định là tiểu vùng trung tâm, các khu vực xung quanh như Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng bằng sông Cửu Long là các tiểu vùng lân cận giúp TP HCM có thể trở thành đầu tàu kinh tế.

Lãnh đạo Bộ GTVT bày tỏ một thực tại ở trung tâm TP HCM là chưa tạo dựng được các khu đô thị đồng bộ, chưa hình thành các trung tâm cấp thành phố. Trong khi đó, hàng loạt chung cư cao tầng, cao ốc tại khu vực trung tâm gây nên sự quá tải về hạ tầng, dẫn đến ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm. Dân cư và nhà ở riêng lẻ phân bổ dàn trải, cấu trúc đô thị phân tán khiến người dân phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cá nhân, gây khó khăn cho việc hình thành hệ thống giao thông công cộng.

Theo đó, việc phát triển đô thị vệ tinh kéo giãn dân về vùng ven để giảm tải cho khu vực trung tâm là cần thiết. Tuy nhiên, để thu hút người dân về vùng ven thì yếu tố quan trọng nhất là giảm thời gian di chuyển, cũng tức phải đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng phải đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ mới thu hút được người dân về vùng ven sinh sống giảm tải cho khu vực trung tâm TP HCM. Ảnh: Ngọc Điểm. 
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng phải đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ mới thu hút được người dân về vùng ven sinh sống giảm tải cho khu vực trung tâm TP HCM. Ảnh: Ngọc Điểm.
Ông Chung cho biết đã có quy hoạch tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Về đường bộ, theo quy hoạch tổng thể, giai đoạn 2021-2030 sẽ có hàng loạt cao tốc nối TP HCM và vùng ven được đầu tư xây dựng. Trong đó, cao tốc Trung Lương –-Mỹ Thuận, Long Thành – Bến Lức dự kiến đưa vào khai thác năm 2021; Mỹ Thuận – Cần Thơ trước năm 2022; các tuyến Phan Thiết – Dầu Dây, TP HCM – Long Thành – Dầu Dây mở rộng 10 làn xe, TP HCM – Mộc Bài, Bến Lức – Trung Lương, Biên Hòa – Phú Mỹ được xây dựng và đưa vào vận hành trước 2025. Giai đoạn sau 2025 là các tuyến TP HCM – Chơn Thành và Phú Mỹ – Vũng Tàu.

Trong khu vực TP HCM, đường Vành đai 3 được hoàn thiện trước năm 2025 và Vành đai 4 trước 2030 (đoạn kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước năm 2025).

Về đường sắt, đường sắt tốc độ cao TP HCM – Nha Trang được đầu tư trong giai đoạn 2020-2030, đường sắt Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước 2025 và nghiên cứu xây dựng đường sắt TP HCM – Cần Thơ – Cà Mau.

Với đường thủy nội bộ, đường biển, kênh chợ Gạo được mở rộng để xử lý nút thắt trên các tuyến đường thủy nội địa, cầu chợ Lách, cầu Nàng Hai, cầu Trà Ôn, dự kiến đầu tư và hoàn thành trước 2021; tuyến kết nối từ cửa sông Vàm Cỏ qua Cần Giờ sang sông Thị Vải tới cụm biển Cái Mép – Thị Vải dự kiến hoàn thành trước 2025; nghiên cứu đầu tư nạo vét, cải tạo đảm bảo chuẩn tắc luống tuyến sông Đồng Tranh.

Về hàng không thì dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa được khởi công ngày 5/1/2021, dự kiến hoàn thành trước 2025.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

Đánh giá của bạn