Ba quý đầu năm nay, dù lượng giao dịch thấp nhưng giá bán BĐS tại TP.HCM và khu vực lân cận liên tục ghi nhận xu hướng tăng, thiết lập một vùng giá mới tiệm cận mức trung bình gần 47,5-49 triệu đồng mỗi m2.
Bất chấp sự xuất hiện của dịch Covid-19 khiến thị trường BĐS đình trệ giao dịch và rơi vào tình trạng đóng băng, giá nhà đất tại phần nhiều các địa bàn khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM không hề có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng đều qua các quý.
Theo dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn, tính từ quý 1/2020 đến quý 3 vừa qua, giá BĐS tại TP.HCM đều ghi nhận xu hướng tăng bất chấp nhu cầu tìm kiếm hay nguồn cung dự án rao bán có biến động tăng hay giảm. Cụ thể, trong quý 1/2020, mức độ quan tâm tìm mua BĐS tại toàn bộ khu vực phía Nam giảm đến 32%, riêng TP.HCM giảm gần 47% vì thông tin về Covid-19. Mặc dù lượng giao dịch trên thị trường giảm, giá rao bán trung bình của hầu hết các loại hình nhà đất tại TP.HCM đều chứng kiến mức độ tăng nhẹ trong khoảng 1-3%. Riêng phân khúc chung cư tiếp tục có giá bán tăng thêm 2% so với quý 4/2019, từ mức 39 triệu/m2 vượt lên mức 40,3 triệu/m2, dù mức độ quan tâm loại hình này giảm hơn 10% và lượng tin đăng giảm 27% so với quý 4/2019.
Xu hướng tăng giá nhà của TP.HCM tiếp tục duy trì trong quý 2/2020. Trong khi ở thị trường Hà Nội, chỉ số giá nhà giảm 1 điểm phần trăm so với 1 quý trước đó do chịu ảnh hưởng trực tiếp vì dịch Covid-19 và giới hạn giãn cách xã hội, chỉ số giá BĐS tại TP.HCM lại tăng thêm 1,3 điểm. Giá bán trung bình tại TP.HCM tăng thêm gần 9% so với cùng kỳ và 1% so với quý trước đó. Riêng 2 tháng đầu quý 3, dù phải chịu tác động từ tháng Ngâu và cả sự bùng phát Covid lần 2, giá nhà Sài Gòn vẫn tăng đều đặn. Cụ thể, trong tháng 7/2020, giá bán chung cư tại TP.HCM tiếp tục tăng 7,5% so với cùng kỳ và 0,6% so với thời điểm quý 2/2020, đồng thời duy trì đà tăng liên tục trong tháng 8/2020 với mức tăng gần 0,7% so với tháng 7 trước đó.
Dù trải qua hai làn sóng Covid-19, giá nhà đất vẫn ở mức cao, không hề giảm mạnh như nhiều người nghĩ. Bà Đặng Phương Hằng, TGĐ Điều hành của CBRE Việt Nam cho biết, từ giai đoạn 2015-2020, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tại TP.HCM liên tục tăng trung bình từ 5-7,3% mỗi năm. Tiệm cận mức giá vào khoảng 49 triệu/m2. Nếu so sánh với mức giá bán các dự án mới triển khai trong thời gian qua, nhiều dự án mới gia nhập thị trường trong mùa dịch tuy sụt giảm mạnh về số lượng nhưng giá bình quân tăng 15% nếu so với mặt bằng giá cùng khu vực. Thậm chí, nếu tính biên độ tăng giá cao nhất, một số dự án tăng đến 23-24%. Đây là mức giá ghi nhận được từ thị trường sơ cấp, các chủ đầu tư chào bán lần đầu và được so sánh với giá các dự án tọa lạc tại vị trí tương đồng đã chào bán trước năm 2020.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến giá nhà tại TP.HCM không giảm là do thị trường chưa có dấu hiệu khủng hoảng, nhu cầu nhà ở cao và sự khan hiếm nguồn hàng sơ cấp. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận, nguồn cung trên thị trường BĐS từ 2019 đã có dấu hiệu giảm. Đầu năm 2020, nguồn cung trên thị trường càng ít ỏi do ách tắc pháp lý và Covid-19. Sự khan hiếm dự án mới cộng với nhu cầu trên thị trường luôn cao khiến các chủ đầu tư tin tưởng vào sức hấp thụ của thị trường, vẫn duy trì giá bán ở mức cao. Ngoài ra còn phải tính đến yếu tố giá đất bình quân chung không giảm, chi phí phát triển dự án không giảm nên việc đưa ra giá bán giảm là gần như không thể.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường BĐS Việt Nam khó có chuyện khủng hoảng, ngay cả trong đại dịch Covid-19. Giai đoạn 2008-2012, giá nhà đất giảm tới 30-40% một phần do chính sách siết chặt tín dụng của nhà nước, lãi suất cho vay thời điểm đó lên tới 24-27%/năm khiến những người vay để đầu cơ mất khả năng thanh toán. Nhưng hiện tại lãi suất đang ở mức thấp giúp người vay mua nhà để ở, người vay mua nhà để đầu tư có thể cầm cự được dù thị trường khó khăn.
“Chi phí xây dựng hiện nay vẫn cao, đặc biệt do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn nên các loại nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm và giá bán thậm chí tăng. Chi phí đầu tư, vốn và các loại chi phí khác rất cao nên chủ đầu tư khó có thể bán giá thấp, bởi nếu bán lỗ thà họ không bán. Điều này lý giải vì sao dù thị trường đang khó khăn nhưng giá nhà muốn giảm là không hề dễ”, ông Hiếu cho hay.