Nguồn cầu, giao dịch sẽ diễn biến thế nào trong những tháng cuối năm, phân khúc nào được dự báo có cửa sáng trước bối cảnh thị trường chưa thực sự khởi sắc?

Nhìn lại chặng đường một năm của thị trường BĐS, có những gam màu sáng, tối. Dù chịu ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid-19 nhưng những người trong cuộc vẫn có cái nhìn lạc quan vào tương lai của thị trường BĐS trong trung và dài hạn.

Nhận định về thị trường BĐS cuối năm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, thông thường, cuối năm là thời điểm thị trường BĐS diễn ra các hoạt động tích cực, sôi nổi cả về nguồn cung và tiêu thụ. Tuy vậy, năm 2020 có nhiều biến động và thị trường BĐS suy giảm mạnh.

Theo dự báo của DKRA Vietnam, quý 4/2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, nguồn cung mới và lượng tiêu thụ của phân khúc căn hộ có thể sẽ tăng hơn so với quý 3/2020. Ước tính quý 4/2020 sẽ có khoảng 7.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Theo đó, bức tranh thị trường sơ cấp cuối năm 2020 đang dần sáng hơn.

Theo ông Hoàng, đối với thị trường thứ cấp, đa số người mua vẫn có tâm lý thận trọng và chờ hết năm. Mức giá có thể không biến động quá nhiều, đặc biệt đối với đất nền. Một số dự án căn hộ đến thời điểm bàn giao nhà hoặc căn hộ có giá trị dưới 2,5 tỷ thường có giao dịch tích cực hơn.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhạy cảm khi một vài chủ đầu tư muốn ra mắt sản phẩm để ghi nhận doanh thu cho năm 2020, nhưng những dự án này chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định về pháp lý.

Ngoài ra, khu Đông và khu Nam vẫn là 2 khu vực dẫn dắt thị trường. Phân khúc căn hộ hạng A, hạng B vẫn chiếm phần lớn trong nguồn cung mới và căn hộ hạng C gần như biến mất.

Trong khi những khó khăn vẫn còn tồn tại, giải pháp nào có thể giúp thị trường BĐS tươi sáng hơn?, ông Hoàng cho rằng, bàn về giải pháp, trước tiên, cơ quan quản lý Nhà nước cần có những giải pháp dứt điểm, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang bị đình trệ. Quy trình thủ tục pháp lý phê duyệt dự án cần phải được cải thiện, từ đó tạo điều kiện cho các dự án “ra hàng” thuận tiện hơn, thúc đẩy nguồn cung dồi dào để giảm bớt áp lực tăng giá. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, chế tài đối với các dự án không nghiêm túc để đảm bảo quyền lợi của người mua, tăng tính minh bạch và ổn định thị trường bất động sản.

“Giá nhà ở đang tăng mạnh trong thời gian qua, do đó cần có chương trình nhà ở quốc gia mang tính sâu rộng, lâu dài và vừa túi tiền dành cho những người có nhu cầu ở thực mua nhà lần đầu”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ về bức tranh thị trường BĐS cuối năm, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng Hội môi giới BĐS Việt Nam – KV miền Nam cho hay, nguồn cung nhà ở cả năm nay tại 2 thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội vẫn sẽ khan hiếm. Nhu cầu nhà ở vẫn rất cao bất chấp đại dịch Covid 19.

Theo ông Hùng, chính vì nhu cầu cao nên giá nhà ở, căn hộ vẫn tăng. Cụ thể, giá nhà ở, căn hộ tăng từ 15-20% so với năm 2019. Những dự án căn hộ đầy đủ pháp lý, tung ra trong thời gian vừa qua thu hút lượng lớn khách hàng và giao dịch rất tốt, mặc dù giá cao. Giá thấp nhất của những căn hộ tại Q.9 và Bình Dương lần lượt là 60 triệu đồng/m2 và 40 triệu đồng/m2.

“Cái khó của thị trường BĐS hiện nay là giá lên cao, sẽ đẩy người dân có nhu cầu nhà ở sẽ khó khăn . Vì thế, thị trường cần lắm những dự án nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu ở thực”, ông Hùng chia sẻ.

Dự báo về phân khúc đất nền, ông Hùng cho rằng, nguồn cung đất nền hai TP lớn là Hà Nội và Tp.HCM gần như không có, các tỉnh thì tiêu thụ tương đối chậm. Theo ông Hùng, đất vùng ven tại Tp.HCM sẽ thu hút số lượng khách hàng đầu tư, cụ thể khu Nam Tp – Cần Giờ ( dự án lấn biển); Khu Bắc theo hướng Cao Tốc HCM- Mộc Bài. Khu Đông Thủ Đức – Bình Dương. Trong khi đó, đất nền trung tâm của các tỉnh thành phố sẽ giữ được giá. Còn các dự án ở tỉnh mà xa trung tâm sẽ hạn chế khách hàng.

Đánh giá của bạn