Trong khi thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục gặp điểm nghẽn về vấn đề pháp lý, các khu vực vùng ven trở thành điểm đến hấp dẫn dòng tiền đầu tư, trong đó không thể không nhắc đến tỉnh Bình Dương.

Bất động sản Bình Dương đã hồi sinh. (Ảnh minh họa)

Bình Dương liên tục đón nhận nhiều dự án mới

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Bình Dương liên tục đón nhiều dự án mới. Cụ thể, vào ngày 26/2/2020, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt phối hợp cùng với nhà thầu xây dựng là Xây dựng Central chính thức tổ chức khởi công dự án Astral City (Thuận An, Bình Dương).

Với tổng vốn đầu tư 8.282 tỷ đồng, quy mô 37.343,8 m2, mật độ xây dựng khoảng 65%, dự án sẽ cung ứng tổng số 5.200 căn, được thiết kế từ 1 – 3 phòng ngủ, có diện tích dao động từ 49 m2 – 81 m2.

Được biết, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã chi ra với số vốn ban đầu khoảng 639 tỷ đồng để sở hữu quỹ đất này.

Cũng tại Thuận An, Bình Dương, không thể không nhắc đến dự án căn hộ The Emerald Golf View Bình Dương do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong làm chủ đầu tư. Đây cũng là dự án căn hộ đầu tiên của chủ đầu tư này.

Dự án chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 15/7/2020, với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô 8.627,7 m. Được biết, dự án sẽ cung cấp 2 block, 2 tầng hầm, 40 tầng nổi, với 1.091 căn hộ (diện tích căn hộ từ 50 – 115 m2).

Một dự án đáng chú ý khác nằm tại Thuận An, Bình Dương là Opal Skyline, thuộc sở hữu của CTCP Bất động sản Hà An (Công ty con của Tập đoàn Đất Xanh). Dự án được khởi công vào tháng 4/2020 với quy mô 10.204,4 m², cung cấp 1506 căn hộ, 2 tháp căn hộ cao 36 tầng và 24 shophouse.

Dự án căn hộ New Galaxy Dĩ An Bình Dương (Dĩ An, Bình Dương) do Công ty TNHH Đại Phúc (Công ty thành viên của Hưng Thinh Corp) làm chủ đầu tư. Đơn vị xây dựng là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (cũng là một thành viên trực thuộc Hưng Thịnh Corp).

Sau chuỗi dự án căn hộ mang thương hiệu 8X, Tập đoàn Hưng Thịnh lại tiếp tục thực hiện dự án cho người trẻ với dòng sản phầm căn hộ New Galaxy.

Với quy mô 29.308,6 m2, diện tích xây dựng 92.873 m2, dự án sẽ cung cấp 6 Block với tên gọi: Sporty, Trendy, Creative, Lovely, Kindly, Funny, 95 căn shophouse, 2.000 căn hộ.

Dự án căn hộ Phú Đông Sky Garden (Dĩ An, Bình Dương) do CTCP Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, dự án có quy mô 6.015,7 m2, với 27 tầng và 650 căn hộ.

Bên cạnh đó, có thể kể đến nhiều dự án khác như: Khu nhà ở Hoàng Tiến Central Bình Dương (Tân Uyên, Bình Dương), Bình Dương Avenue City (Bến Cát, Bình Dương), Căn hộ Biconsi Tower Thủ Dầu Một (Thủ Dầu Một, Bình Dương), Florence Resident (Thuận An, Bình Dương),…

Bất động sản Bình Dương trên đà hồi sinh

Còn nhớ trong giai đoạn 2013-2017, khi thị trường bất động sản hồi sinh với sự sôi đông trở lại ở các khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Long An, thì thị trường tại Bình Dương vẫn đứng bóng.

Nhiều tên tuổi lớn hầu như không có động tĩnh gì trong việc chào bán sản phẩm ra thị trường, đất được phân lô không đầy đủ pháp lý còn các dự án có nhà phố xây sẵn lại không có người ở vì xung quanh (thời điểm đó) thiếu tiện ích. Chỉ còn lại các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bỏ tiền vào thị trường bất động sản Bình Dương trước đây bị “mắc cạn” vì không thể bán được hàng.

Cũng đã xuất hiện một vài dự án mới và các giao dịch. Dẫu vậy, nhìn tổng thể các dự án này chỉ nằm tại huyện tiếp giáp TP.HCM hoặc trên trục Quốc lộ 13 nối với TP.HCM.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự phát triển đổ bộ dồn dập của nhiều dự án giai đoạn trước đó gây ra cảm giác thừa nguồn cầu trong khi chất lượng các dự án là tương đối “đồng sàng”, không tạo ra sự vượt trội. Thậm chí, sự “thả nổi” đã khiến thị trường thiếu đi đầu tàu định hướng phát triển. Từ đó, thị trường dần trở nên hụt hơi so với các thị trường khác như Đồng Nai và Long An.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, việc di dân và thành phố mới thời điểm đó đã không thực hiện đồng bộ và tốt, dẫn đến đô thị mới không phát triển, người dân vẫn chỉ quanh quẩn ở những khu vực cũ. Có thể thấy, thời điểm 2017, khi thị trường bất động sản phía Nam sôi động, thì tâm điểm tại Bình Dương là Khu đô thị Thành phố mới Bình Dương, nơi từng được coi là Singapore của Bình Dương, vẫn trong cảnh cỏ mọc um tùm. Các khu nhà phố đã được xây dựng thì xuống cấp nghiêm trọng, giao dịch dường như đóng băng và chỉ chưa đầy 50 căn có người sinh sống.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác có thể do hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM bị tắc ở Quốc lộ 13 – tuyến độc đạo nối Bình Dương vào TP.HCM đã không được xây dựng.

Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Bình Dương đang trở thành điểm sáng, trong bối cảnh các dự án tại TP.HCM tiếp tục gặp điểm nghẽn về vấn đề pháp lý.

Ngoài lý do nhờ lợi thế địa lý giáp TP.HCM, ông Sử Ngọc Khương Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, những nỗ lực tăng trưởng kinh tế tích cực của Bình Dương là yếu tố quan trọng hàng đầu thu hút sóng đầu tư bất động sản.

Theo thống kê, trong năm 2019 chỉ số thu hút đầu tư (FDI) và thu nhập bình quân (GDP) của Bình Dương đứng thứ 3 cả nước. Nộp ngân sách nhà nước cũng thuộc top đầu. Hiện toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tổng quy mô 10.000 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 70%.

Đi cùng với đó, không thể không nhắc đến làn sóng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đã giúp cho “thủ phủ công nghiệp” phía Nam này liên tục đón nguồn lao động có trình độ cao từ các nước trên thế giới, qua đó gián tiếp tác động tới tăng nhu cầu nhà ở của người dân. Số liệu từ Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tính đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau TP.HCM) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,33 tỷ USD.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông của Bình Dương đang ngày càng phát triển. Bên cạnh Quốc lộ 13 kết nối liên tỉnh từ TP.HCM qua Bình Dương về đến Bình Phước, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn cũng là một trong những tuyến đường huyết mạch, mang ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của Bình Dương.

Được biết, Bình Dương đang được lên kế hoạch đầu tư  nhiều công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Đức Hòa – Chơn Thành, cao tốc TPHCM – Lộc Ninh, tuyến metro Thủ Dầu Một – Mỹ Phước – Bàu Bàng – Long Nguyên… Do đó, khu vực phía Bắc có nhiều khả năng trở thành điểm đến hấp dẫn của thị trường trong thời gian tới.

Cùng với đó, một số khu vực như Bến Cát, Tân Uyên chuẩn bị được nâng cấp lên đô thị loại II; thị xã Dĩ An, Thuận An chuẩn bị lên thành phố… Đặc biệt, theo lộ trình phát triển đã được phê duyệt của Chính phủ, năm 2020 Bình Dương sẽ trở thành đô thị loại I và là một trung tâm công nghiệp hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Khi sự tập trung dân cư ở các đô thị lớn đã ở mức quá cao, cùng với đó, cơ sở hạ tầng, tuyến đường giao thông ngày một cải thiện, điều kiện sinh sống ở các đô thị vệ tinh càng tốt, đây là động thái tốt của giãn dân cơ học”, ông Khương đánh giá.

Vô hình chung, một bộ phận không nhỏ cư dân trẻ, cư dân thu nhập thấp có xu hướng chuyển về các tỉnh giáp TP.HCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An,…). Qua đó, tác động đáng kể tới sức nóng của bất động sản vùng ven khi cầu thì nhiều, nhưng cung không đáp ứng đủ.

Ông Khương cho biết,”Nhằm nắm bắt cơ hội, các tỉnh này đã tạo điều kiện đầu tư cho doanh nghiệp bằng các cơ chế phê duyệt thông thoáng hơn”.

Đánh giá của bạn