Dịch Covid-19 không chỉ làm cho doanh nghiệp BĐS thiệt hại mà rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân như đang “ngồi trên đống lửa”. Sau dịch xu hướng dòng tiền của các NĐT sẽ như thế nào?

Khó lướt sóng, tìm bất động sản an toàn

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm các NĐT “nói không” với hoạt động đầu tư lướt sóng. Đặc biệt, sau thời điểm dịch, NĐT chỉ có thể tập trung vào việc đầu tư trung, dài hạn bởi sau suốt thời gian khó khăn, thị trường rất khó để hồi phục nhanh. Dòng tiền của NĐT vì thế cũng khó đạt kì vọng trong thời gian ngắn ở hầu hết các phân khúc sản phẩm.

Thực tế, trong suốt thời gian qua, hoạt động đầu tư lướt sóng chỉ diễn ra lẻ tẻ ở một số phân khúc có lợi thế về hạ tầng giao thông. Còn những NĐT lâu năm vẫn chọn hình thức đầu tư dài hạn, từ 2-3 năm mới chào bán sản phẩm. Lợi nhuận vì thế cũng có khả năng cao hơn.

Sau dịch Covid-19, theo dự báo của các chuyên gia, giá BĐS không biến động nhiều. Thậm chí, Covid-19 khiến giá BĐS trên thị trường thứ cấp giảm 5- 10%. Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, sau dịch giá chào bán nhà đất không giảm công khai mà được thể hiện qua các thương lượng âm thầm trong mùa dịch.

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, thậm chí kể cả giai đoạn hậu Covid-19, việc thương lượng, mặc cả để đạt được mức giảm giá trên dưới 10% khá phổ biến trên thị trường thứ cấp. Đây chưa phải là mức giảm giá sâu nhưng được xem là biên độ điều chỉnh hợp lý trong vòng 3 tháng dịch bệnh tác động thị trường.

Như vậy, để thấy sau dịch thị trường BĐS cần có thêm thời gian để hồi phục, giá bán và giao dịch chưa thể kì vọng tăng trong khoảng thời gian ngắn. Vì thế, chọn cách đi chậm rãi, an toàn đã nằm trong dự tính của những NĐT cá nhân.

Nhà đầu tư sẽ hướng vào phân khúc BĐS nhu cầu ở thực, vừa túi tiền

Hiện tại, một số doanh nghiệp BĐS đã thay đổi chiến lược kinh doanh sau thời điểm dịch, hướng sản phẩm vào nhu cầu sống xanh, sống khỏe để kích cầu thị trường. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm có giá vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu ở thực của số đông người tiêu dùng cũng được các CĐT đẩy mạnh ở thời điểm mà thị trường còn nhiều khó khăn, biến động.

Theo dự báo của CBRE Việt Nam, xu hướng quy hoạch môi trường xanh, xây dựng công trình xanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Dự kiến, số lượng công trình xanh thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 13% từ nay đến năm 2025, kéo theo sự thay đổi về lựa chọn của cộng đồng ngành xây dựng, cũng như nhu cầu của khách hàng trong thị trường tiềm năng này.

Theo các chuyên gia, tình trạng đó khiến nhu cầu về dòng căn hộ xanh, có không gian sống tốt cho sức khỏe, vừa túi tiền, phù hợp với nhu cầu ở thực sẽ tăng đột biến, nhất là ở thời điểm sau dịch. Đây là phân khúc có nhu cầu luôn tặng mạnh theo nhịp sống hiện đại.

Bên cạnh đó, phân khúc căn hộ có giá ở ngưỡng 2-3 tỉ đồng/căn tại Tp.HCM hoặc khu vực giáp ranh TP sẽ được NĐT quan tâm sau thời điểm dịch bệnh. Đây cũng là loại hình có giao dịch phát sinh lẻ tẻ trong thời điểm dịch, trong khi một số phân khúc khác dường như “bất động”.

Đối với phân khúc đất nền, đất nền tỉnh lân cận các đô thị lớn vẫn được dự báo hút dòng tiền của giới đầu tư. Tuy nhiên, theo Hội môi giới BĐS Việt Nam lợi nhuận đầu tư còn phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như lượng cung tại từng địa phương. Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng chút ít vì các địa bàn này vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư, và ngược lại.

Đánh giá của bạn